Siết quản lý các cơ sở làm đẹp “chui”

tp ho chi minh lien tuc phat hien cac co so tham my chui c37 6394802

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết sẽ xem xét, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2023/NĐ-CP nhằm tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép, núp bóng các thẩm mỹ viện, spa.

Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, tuổi làm đẹp hiện nay ngày càng trẻ hóa, có những thanh niên 18-19 tuổi đã muốn “sửa đủ thứ”. Theo TS Lê Hữu Doanh, nên tránh lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ khi còn quá trẻ do cơ thể còn đang hoàn thiện.

Khi quyết định thẩm mỹ, cần đến những cơ sở thẩm mỹ được phép hoạt động để tránh gặp biến chứng sau làm đẹp. Các tai biến thường gặp, gồm: Tai biến do tiêm filler, botox, laser, peel da không an toàn, các can thiệp vượt quá mức của cơ sở thực hiện…

Mới đây, cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh do bất cập trong quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở spa, dịch vụ chăm sóc mẹ và bé, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm (phun, xăm…).

Theo Nghị định này, loại hình dịch vụ như các cơ sở nêu trên không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, dẫn đến rất khó khăn trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra. Một số cơ sở sau khi bị xử phạt lại “mọc lại” chỉ sau vài tuần, thậm chí chỉ đổi tên, đổi địa chỉ là tiếp tục hoạt động.

Mặt khác, nhiều hoạt động làm đẹp đang được “ngụy trang” dưới mác spa, chăm sóc da, hoặc hoạt động tại nhà riêng, khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận.

Hồi đáp vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ năm 2024), các loại hình cơ sở khám chữa bệnh liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ bao gồm: Bệnh viện đa khoa có khoa thẩm mỹ hoặc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thuộc chuyên khoa thẩm mỹ; Bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ; Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.

Người đứng đầu ngành y tế nhìn nhận, ngoài các cơ sở chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ, vẫn tồn tại nhiều cơ sở thẩm mỹ không phép, hoạt động không đúng quy định pháp luật, núp bóng dưới các hình thức như cơ sở làm đẹp, chăm sóc da, tóc, thẩm mỹ viện, spa.

“Đáng chú ý, nhân lực tại các cơ sở này thường chưa được đào tạo bài bản, đúng phạm vi hành nghề. Một số trường hợp chỉ tham gia các khóa đào tạo nghề cơ bản về chăm sóc, làm đẹp, phun xăm theo hình thức hướng dẫn thực hành, nhưng vẫn thực hiện các kỹ thuật như tiêm filler, botox… có thể gây hậu quả và biến chứng nghiêm trọng”, Bộ trưởng Y tế nêu.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đang rà soát các nội dung cần điều chỉnh trong Nghị định 96/2023 của Chính phủ để phù hợp với thực tế và bảo đảm việc quản lý các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.  Bộ sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định này nhằm tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam